Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search
Thống kê truy cập
Chi tiết tin
Công tác Hội
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX
Tác giả: SuperUser Account .Ngày đăng: 14/08/2015 .Lượt xem: 1472 lượt.
     Sáng ngày 05/8/2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 khai mạc. Đến dự Đại hội có đ/c Nguyễn Ngọc Quang – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đ/c Nguyễn Văn Sỹ - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đ/c Võ Xuân Ca – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Ban đảng Tỉnh ủy và các cơ quan, ban ngành của tỉnh...cùng 300 đại biểu chính thức của Đảng bộ huyện Thăng Bình.
Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội cho biết, nhiệm kỳ 5 năm qua, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX đạt những kết quả quan trọng. Kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, góp phần thúc đẩy các ngành phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 17,11%; tỷ trọng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ chiếm 78% trong cơ cấu kinh tế. Thu ngân sách nhà nước đạt kế hoạch, nguồn thu phát sinh kinh tế trên địa bàn tăng bình quân 20,4%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chú trọng đầu tư với tổng số vốn huy động và lồng ghép trên 642 tỷ đồng; xã Bình Tú đã về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến đến cuối năm nay có 6 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới. Ba nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đã tích cực huy động và sử dụng các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trong đó vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trong 5 năm là 977 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước là 664 tỷ đồng) tăng hơn 250 tỷ đồng so với giai đoạn 2005-2010. Văn hóa- xã hội nhiều mặt chuyển biến tốt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; thu nhập thực tế bình quân đầu người 21,8 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,7% năm 2010 xuống còn dưới 6% năm 2015. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn và xây dựng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Mặt trận và các đoàn thể triển khai nhiều chương trình hoạt động hiệu quả, thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên; tinh thần đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng được giữ gìn và phát huy; học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với củng cố, chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết TW4 (khoá XI) có những chuyển biến,...

Đ/c Nguyễn Ngọc Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội


Đại hội biểu quyết thông qua Đề án nhân sự cấp ủy huyện khóa XX
     Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã biểu dương, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, những kết quả đạt được của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục và định hướng những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm mà Đảng bộ huyện cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ đến.
     Sau gần 3 ngày làm việc, sáng ngày 6/8/2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã tổ chức phiên bế mạc.
     Đại hội đã bầu 43 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020, trong đó có 6 đồng chí nữ và 8 đ ồng chí được cơ cấu cấp ủy lần đầu. Bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI gồm 16 đại biểu chính thức, 02 đại biểu dự khuyết.
     Các đại biểu đã biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020. Mục tiêu của huyện trong 5 năm đến là tiếp tục củng cố kiện toàn hệ thống chính trị; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tập trung huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh,... Nghị quyết đã đề ra 35 chỉ tiêu trên các lĩnh vực, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân đạt trên 14%; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp- xây dựng và dịch vụ chiếm trên 85%, thu nhập thực tế bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 40 triệu đồng. Đến năm 2020 có trên 70% số xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới; tỷ lệ giảm còn dưới 1%...Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Nghị quyết đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu, trọng tâm là: Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, nâng cao giá trị gia tăng đảm bảo phát triển bền vững trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, kinh tế hợp tác và làng nghề nông thôn. Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn, đóng mới tàu công suất lớn để khai thác xa bờ, áp dụng các biện pháp khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ ngư trường. Trên lĩnh vực công nghiệp, tích cực kêu gọi, thu hút và ưu tiên phát triển công nghiệp trở thành ngành trọng điểm. Nhanh chóng triển khai và phối hợp với các ngành liên quan ở tỉnh để quy hoạch mở rộng khu công nghiệp Tam Thăng đến xã Bình Sa và khu công nghiệp Đông Quế Sơn đến xã Bình Giang, nâng cụm công nghiệp Hà Lam-Chợ Được lên thành Khu công nghiệp và quy hoạch xây dựng khu công nghiệp vùng Tây Thăng Bình. Phối hợp, đôn đốc, thúc đẩy triển khai dự án phát triển kinh tế vùng Đông của huyện. Tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh phát triển 3 vùng kinh tế. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền thật sự vững mạnh,…

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XX ra mắt nhận nhiệm vụ


Đại hội tặng quà các đ/c cấp ủy, Ủy viên UBKT khóa XIX

DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN THĂNG BÌNH KHÓA XX, NHIỆM KỲ 2015 - 2020

1. Đ/c Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy
2. Đ/c Hồng Quốc Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
3. Đ/c Nguyễn Đức Tám - Phó Bí thư Huyện ủy - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy
4. Đ/c Phạm Hiển - UVTV - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy
5. Đ/c Phan Hòa - UVTV - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy
6. Đ/c Võ Thị Đoan Trang - UVTV - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy
7. Đ/c Võ Huấn - UVTV - Chủ tịch UBMTTQVN huyện
8. Đ/c Trần Văn Thức - UVTV -  Phó Chủ tịch UBND huyện
9. Đ/c Lê Văn Huy - UVTV - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện
10. Đ/c Trần Văn Xuân - UVTV - Trưởng Công an huyện
11. Đ/c Nguyễn Đình Tư - UVTV - Phó Chủ tịch HĐND huyện
12. Đ/c Lê Quang Hạt - UVTV, Trưởng phòng Nội vụ huyện
13. Đ/c Võ Tấn Thuận - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy
14. Đ/c Nguyễn Văn Húy - HUV - Phó Chủ tịch UBND huyện
15. Đ/c Nguyễn Văn Hương - HUV - Phó Chủ tịch UBND huyện
16. Đ/c Hồ Văn Minh - HUV - Chánh Văn phòng Huyện ủy
17. Đ/c Hoàng Văn Tửu - HUV - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện
18. Đ/c Trương Công Sơn - HUV - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện
19. Đ/c Trương Công Hùng - HUV - Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện
20. Đ/c Lê Đình Thành - HUV - Trưởng phòng Tư pháp huyện
21. Đ/c Trần Toản - HUV - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện
22. Đ/c Đoàn Văn Tùng - HUV - Chánh Thanh tra huyện
23. Đ/c Nguyễn Xuân Vũ - HUV - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện
24. Đ/c Phan Văn Tuyển - HUV - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện
25. Đ/c Nguyễn Thanh Phong - HUV - Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy
26. Đ/c Lê Ngọc Chiến - HUV - Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Huyện ủy
27. Đ/c Phạm Văn Bảy - HUV - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện
28. Đ/c Quách Thị Tuyết Mai - HUV - Chánh án Tòa án nhân dân huyện
29. Đ/c Nguyễn Thị Xuân - HUV - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện
30. Đ/c Huỳnh Thanh Hải - HUV- Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện
31. Đ/c Trần Ngọc Đội - HUV - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện
32. Đ/c Nguyễn Thị Pho - HUV - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện
33. Đ/c Võ Xuân Tùng - HUV - Chủ tịch Hội Nông dân huyện
34. Đ/c Phan Thị Nhi - HUV - Bí thư Huyện Đoàn
35. Đ/c Huỳnh Thạch - HUV - Ủy viên Thường trực HĐND huyện
36. Đ/c Đoàn Thanh Khiết - HUV - Bí thư Đảng ủy Thị trấn Hà Lam
37. Đ/c Dương Ngọc Lân - HUV - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên
38. Đ/c Nguyễn Văn Đông - HUV - Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương
39. Đ/c Võ Thị Ngọc Ánh - HUV - Bí thư Đảng ủy xã Bình Triều
40. Đ/c Võ Văn Quảng - HUV - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Trung
41. Đ/c Nguyễn Đình Hồng - HUV - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Tú
42. Đ/c Lê Văn Thôi - HUV -  Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Phú
43. Đ/c Võ Tiến Dũng - HUV - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Sa

DANH SÁCH BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY THĂNG BÌNH KHÓA XX, NHIỆM KỲ 2015 - 2020

1. Đ/c Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy
2. Đ/c Hồng Quốc Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
3. Đ/c Nguyễn Đức Tám - Phó Bí thư Huyện ủy - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy
4. Đ/c Phạm Hiển - UVTV - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy
5. Đ/c Phan Hòa - UVTV - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy
6. Đ/c Võ Thị Đoan Trang - UVTV - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy
7. Đ/c Võ Huấn - UVTV - Chủ tịch UBMTTQVN huyện
8. Đ/c Trần Văn Thức - UVTV -  Phó Chủ tịch UBND huyện
9. Đ/c Lê Văn Huy - UVTV - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện
10. Đ/c Trần Văn Xuân - UVTV - Trưởng Công an huyện
11. Đ/c Nguyễn Đình Tư - UVTV - Phó Chủ tịch HĐND huyện
12. Đ/c Lê Quang Hạt - UVTV, Trưởng phòng Nội vụ huyện
13. Đ/c Võ Tấn Thuận - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy


      NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN THĂNG BÌNH LẦN THỨ XX, NHIỆM KỲ 2015 - 2020

          ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU                                               ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
ĐẢNG BỘ HUYỆN THĂNG BÌNH
             LẦN THỨ XX                                             Thăng Bình, ngày 06 tháng 8 năm 2015
                     *
             
Số 01-NQ/ĐH

NGHỊ QUYẾT
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX
---------------------

     Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 tiến hành từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 8 năm 2015 tại Hội trường Huyện uỷ Thăng Bình với 300 đại biểu chính thức, đại diện cho 4.508 đảng viên trong Đảng bộ. Đại hội làm việc với tinh thần nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra; đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào các văn kiện, đề án và thống nhất:

QUYẾT NGHỊ

     I- Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010-2015 và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm đến 2015-2020 nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015- 2020:
     1- Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX, nhiệm kỳ 2010-2015
     Đại hội khẳng định: Năm năm qua (2010- 2015), Đảng bộ đã lãnh đạo hệ thống chính trị và Nhân dân trong huyện kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng; đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra. Đa số các chỉ tiêu trên các lĩnh vực đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế phát triển toàn diện và đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ (78%). Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, xuất hiện một số mô hình kinh tế hiệu quả. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới; các nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Văn hóa- xã hội nhiều mặt chuyển biến tốt. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển. Giáo dục - đào tạo được chú trọng, nâng cao chất lượng. Học sinh hoàn thành bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt tỷ lệ cao. Hoàn thành và duy trì tốt phổ cập giáo dục các bậc học. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Chương trình giảm nghèo đạt những kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Chương trình xây dựng xã nông thôn mới và đô thị văn minh đạt kết quả bước đầu, diện mạo nông thôn tiếp tục có những khởi sắc. Phát huy được sức mạnh tổng hợp trong việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc. Công tác thi hành và bảo vệ pháp luật được chú trọng. Giáo dục chính trị, tư tưởng có đổi mới về phương thức. Tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên ổn định, an tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổ chức triển khai, thực hiện có kết quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với nhiệm vụ củng cố, xây dựng Đảng theo Nghị quyết TW4 (khoá XI) và nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Việc học tập và thực hiện các chủ đề tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dần đi vào chiều sâu, thực chất hơn với những mô hình và cách làm hay được phát huy. Xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên có chuyển biến tích cực, việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên từng bước đi vào thực chất. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ đạt được kết quả tốt, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kiểm tra, giám sát của Đảng có sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động. Các Ban Đảng Huyện ủy tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các chuyên đề thuộc lĩnh vực các Ban phụ trách; mối quan hệ phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra và các cơ quan pháp luật ngày càng tốt hơn. Công tác dân vận luôn được quan tâm đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, từng bước đi vào chiều sâu, bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình Nhân dân, tổ chức tiếp xúc, giải quyết những bức xúc của nhân dân, nhất là những bức xúc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư vùng dự án…đã làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể về công tác dân vận. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện có những cải tiến, tăng cường đi cơ sở, giải quyết ngay những vấn đề khó khăn, bức xúc của cơ sở. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các chuyên đề trọng tâm, các hoạt động toạ đàm, hội thảo một số lĩnh vực; công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hiệu quả, tạo được những chuyển động mới trong công tác lãnh đạo, đạt hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy tốt vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển đoàn viên, hội viên.
     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, đó là: kinh tế phát triển còn chậm và thiếu bền vững; công nghiệp- xây dựng, dịch vụ, du lịch, kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả còn ít, chưa được nhân rộng. Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng chưa chặt chẽ. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư, cải cách hành chính… thiếu tập trung và còn nhiều hạn chế. Chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, xây dựng và phát triển văn hóa, chăm lo người có công với Nước, chính sách an sinh xã hội,…có những mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Công tác phát triển đảng trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội có nơi còn diễn biến phức tạp. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có mặt hạn chế. Công tác cải cách tư pháp thiếu đồng bộ. Hoạt động của hệ thống chính trị chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở một số cơ sở Đảng chưa đạt chiều sâu và đồng bộ, chưa có sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng Nhân dân. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một vài tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa đạt yêu cầu. Công tác vận động quần chúng và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
     Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân chủ quan là: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ đôi lúc chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm. Một vài cấp ủy cơ sở chưa chủ động xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình công tác của Huyện uỷ; công tác quản lý, nhận xét đánh giá cán bộ, đảng viên có nơi còn nễ nang, thiếu chặt chẽ. Công tác điều hành quản lý nhà nước có mặt còn thiếu tính chủ động; việc phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng ở tỉnh có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên. Việc lãnh đạo tổ chức thực hiện các phong trào quần chúng có lúc, có nơi chưa được cấp ủy quan tâm đúng mức. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự đủ mạnh để phát huy tốt hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với các hoạt động của cơ sở cũng như của huyện.
     2- Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm 2015-2020
     Đại hội nhất trí:
     2.1- Mục tiêu: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực để tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Thăng Bình phát triển toàn diện, bền vững.
     2.2- Phương hướng chung: Tạo sự chuyển biến sâu sắc và toàn diện trong toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Tập trung chăm lo xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; xây dựng chính quyền vững mạnh toàn diện, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao vai trò, chức năng của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và tổ chức các phong trào, các cuộc vận động. Tập trung khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, vận dụng các cơ chế chính sách phù hợp để tạo thêm nguồn lực căn bản và sức bật mới trong phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp-xây dựng; chuyển dịch trong cơ cấu nội bộ kinh tế nông nghiệp, thực hiện kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, áp dụng cơ chế chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát triển văn hoá- xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế; xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, coi trọng xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, dân số, gia đình, trẻ em. Triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nguồn nhân lực, coi trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công với Nước, gia đình chính sách, công tác an sinh xã hội. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.
     2.3- Một số chỉ tiêu chủ yếu:
     2.3.1- Chỉ tiêu về kinh tế:
     Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân đạt trên 14%; (trong đó nông nghiệp tăng 3%, công nghiệp-xây dựng tăng 20%; dịch vụ tăng trên 15%).
     Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm trên 85% (trong đó dịch vụ chiếm 48%, công nghiệp - xây dựng chiếm 37%), nông nghiệp chiếm dưới 15%.
     Thu nhập thực tế bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 40 triệu đồng.
     Thu phát sinh kinh tế trên địa bàn tăng hằng năm trên 17% (đến năm 2020 thu phát sinh kinh tế trên địa bàn đạt trên 180 tỷ đồng); vốn đầu tư phát triển từ NSNN do huyện quản lý hằng năm bằng 23% tổng chi ngân sách địa phương.
     Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 17%/năm.
     Tổng sản lượng lương thực cây có hạt hằng năm đạt khoảng 92.000 tấn; giá trị sản phẩm trồng trọt trên 01 ha canh tác bình quân đạt trên 70 triệu đồng.
     Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản bình quân hằng năm đạt trên 18.000 tấn (đến năm 2020 đạt trên 20.000 tấn); giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 01 ha canh tác bình quân đạt trên 450 triệu đồng.
     Trên 70% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
     2.3.2- Chỉ tiêu về văn hóa- xã hội:
     Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm 1-1,5% (đến năm 2020 còn dưới 1%)
     Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55% (tính đến năm 2020); số lao động được tạo việc làm mới bình quân hằng năm trên 3.000 người; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 40%.
     Trên 90% trường Mẫu giáo, Tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia; cam kết bảo đảm đủ diện tích đất khuôn viên trường THPT([1]); tỷ lệ học sinh nhập học đúng độ tuổi: Tiểu học: 100%, THCS: trên 98%, THPT: trên 85%.
     100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn dưới 9%; có trên 4 bác sĩ, 13 giường bệnh/vạn dân.
     Trên 85% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, tổ văn hóa; 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Trên 70% di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo.
     2.3.3- Chỉ tiêu về môi trường:
     Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 20%.
     100% khu công nghiệp, trên 60% cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; trên 95% chất thải rắn, trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
     100% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch trên 95%, nông thôn trên 70%.
     2.3.4- Chỉ tiêu về QP-AN:
     Phấn đấu 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh về quốc phòng- an ninh; trên 50% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện (về quốc phòng).
     Giao quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu.
     100% dự án phát triển kinh tế- xã hội được thẩm định về quốc phòng.
     Trên 90% xã, thị trấn và 95% cơ quan, trường học, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT.
     2.3.5- Chỉ tiêu về xây dựng Đảng:
     Phấn đấu đến năm 2020, 100% CBCC xã, thị trấn đạt 3 chuẩn; trong đó 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, thị trấn có trình độ đại học chuyên môn trở lên, trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn.
     Phấn đấu hằng năm có trên 75% TCCS đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; không có TCCS đảng yếu kém.
     Bình quân hằng năm kết nạp trên 300 đảng viên mới.
     2.4- Một số chương trình, dự án trọng điểm
     2.4.1- Chương trình trọng điểm: Xây dựng nông thôn mới; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế CN-TTCN, làng nghề; Phát triển dịch vụ, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân; Nâng cấp, sửa chữa và xây dựng các tuyến đường ĐH; Giảm nghèo bền vững.
     2.4.2- Dự án trọng điểm: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; Xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ và thu hút phát triển du lịch; Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp vùng Tây của huyện; Xây dựng, phát triển đô thị Hà Lam (đô thị loại IV); Quy hoạch, xây dựng, phát triển khu đô thị Bình Minh (đô thị loại V); Các dự án trên lĩnh vực văn hóa: Trung tâm Văn hóa Thể thao, Nhà Thiếu nhi, Thư viện, Nhà Truyền thống huyện; tiếp tục xây dựng hoàn thành công trình Đền Tưởng niệm các AHLS huyện.
     2.5- Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
     2.5.1- Tập trung phát triển kinh tế toàn diện, bền vững; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp-xây dựng; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
     Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, nâng cao giá trị gia tăng đảm bảo phát triển bền vững trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, kinh tế hợp tác và làng nghề nông thôn. Chủ động chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung bán công nghiệp, an toàn, hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền công suất lớn, nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt; phấn đấu đến năm 2020 sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt trên 20.000 tấn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
     Phát triển công nghiệp trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phối hợp với tỉnh để quy hoạch mở rộng khu công nghiệp Tam Thăng đến xã Bình Sa và khu công nghiệp Đông Quế Sơn đến xã Bình Giang; nghiên cứu quy hoạch hình thành mới cụm công nghiệp với các ngành công nghiệp phụ trợ ở vùng Đông của huyện phục vụ dự án khí - điện; nâng cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được lên thành Khu công nghiệp và quy hoạch xây dựng khu công nghiệp vùng Tây; hoàn thành quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các lĩnh vực; thực hiện tốt các cơ chế chính sách phát triển kinh tế; xây dựng các dự án cơ hội; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quảng bá và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp. Phấn đấu nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch đạt trên 70%. Tập trung phát triển TTCN, làng nghề và ngành nghề nông thôn; mở rộng các làng nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề mới; phấn đấu mỗi xã có ít nhất 01 sản phẩm TTCN. Chủ động chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; xúc tiến quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu đầu tư xây dựng các công trình mang tính chiến lược, các dự án cơ hội, đón đầu để thu hút đầu tư.
     Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, đảm bảo quy hoạch, nâng cao hiệu quả các công trình xây dựng. Phát huy năng lực các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động vào lĩnh vực xây dựng; các doanh nghiệp thành lập mới, đặt trụ sở, mở chi nhánh hoạt động trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu xây dựng, giải quyết việc làm và góp phần tăng thu ngân sách của huyện.
     Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển dịch vụ, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ; phát triển siêu thị quy mô vừa ở thị trấn Hà Lam. Hình thành một số khu trung tâm thương mại - dịch vụ ở các điểm dân cư tập trung, dọc hành lang các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, khu vực đầu mối giao thông, các khu, cụm công nghiệp,... Phối hợp với tỉnh đôn đốc, thúc đẩy triển khai dự án phát triển kinh tế vùng Đông của huyện. Triển khai xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình, đề án phát triển du lịch  giai đoạn 2015- 2020 và đến năm 2030.
     Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và môi trường. Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Triển khai các dự án cung cấp và nâng cao chất lượng nguồn nước sạch. Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai.
     2.5.2- Tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư
     Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả đến năm 2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, mang tính đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình hạ tầng giao thông để khớp nối các tuyến giao thông nông thôn ĐX đến ĐH, ĐH đến ĐT và Quốc lộ 1A, 14E; đề nghị tỉnh đầu tư tuyến Quốc lộ 14E đi Tiên Sơn; tuyến ĐH 21 từ Quốc lộ 14E đi Bình Chánh- Bình Quế, tuyến ĐH 25 từ Bình Trung đi Bình Phú; tuyến ĐH 26 nối dài Quốc lộ 14E từ Cây Cốc đến tuyến đường bộ ven biển; tuyến giao thông liên xã Bình Đào - Bình Dương; Bình Nam - Bình Phục, tuyến cứu nạn cứu hộ Quốc lộ 1A - Bình Quý (ga Phú Cang), tuyến Nhà văn hóa - Quốc lộ 14E; nạo vét sông Trường Giang, xây dựng Hồ chứa nước Hố Do, Kè sông Ly Ly, Kè Bàu Hà Kiều, kênh tiêu úng Bàu Bàng- Bàu Tre, kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản ven sông Trường Giang; nâng cấp nhà máy nước Thăng Bình... Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp Hà Lam - Chợ Được và các cụm CN. Phối hợp với tỉnh đầu tư xây dựng: bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và các trại giống nuôi trồng thuỷ sản; hạ tầng khung cho đô thị Hà Lam. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao cấp huyện.
     Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở, trong đó ưu tiên đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn sau đại học, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở đạt chuẩn. Triển khai thực hiện các cơ chế của Trung ương, tỉnh để thu hút, tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn sâu trên một số lĩnh vực. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo, tạo thêm việc làm mới cho lao động địa phương.
     Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch kêu gọi dự án đầu tư; công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi và thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn. Thường xuyên và định kỳ tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo huyện với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp.
     2.5.3- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng
     - Vùng Tây: Trọng tâm là phát triển rừng, kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại theo mô hình kinh tế nông lâm kết hợp. Khai thác thế mạnh về trồng rừng sản xuất, trồng keo nguyên liệu, trồng cao su đại điền và tiểu điền theo quy hoạch. Ổn định diện tích sản xuất lúa 2 vụ chủ động nước. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy hoạch vùng trồng cỏ, xây dựng mô hình nuôi bò quy mô lớn, coi trọng chất lượng giống bò lai sind...Phát triển cây nguyên liệu, cây dược liệu. Chú trọng phát triển các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa gắn với du lịch sinh thái, cảnh quan thiên nhiên ở Hồ Cao Ngạn, Hồ Phước Hà, Hồ Đông Tiển, Hố Thác, Phật viện Đồng Dương, du lịch văn hóa tâm linh,... Quy hoạch phát triển một số cụm công nghiệp như: Phú Cang (Bình Quý-Bình Định Nam), Dốc Tranh (Bình Lãnh), Bình An (Bình Định Bắc)…
     - Vùng TrungCơ bản ổn định diện tích lúa 2 vụ chủ động nước; đẩy mạnh quy hoạch xây dựng các cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung, các vùng chuyên canh sản xuất lúa, ưu tiên lúa chất lượng cao, lúa giống. Phát triển các vùng trồng ngô, lạc, trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, trồng cỏ nuôi bò,... Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp Hà Lam - Chợ Được và các cụm công nghiệp Kế Xuyên - Quán Gò, Bình Hòa, Nam Hà Lam. Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, chế biến, hàng trang trí nội thất, công nghiệp phụ trợ cơ khí ô tô, điện tử... Mở rộng phát triển các làng nghề truyền thống, ngành nghề mới. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ. Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; xây dựng Khu phố chợ Hà Lam, chợ đầu mối nông sản, chợ nông thôn, siêu thị vừa và nhỏ... Tập trung xây dựng thị trấn Hà Lam thành đô thị văn minh, đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2020.
     - Vùng Đông: Ổn định diện tích sản xuất lúa 2 vụ chủ động nước, chuyển đổi diện tích sản xuất lúa giá trị kinh tế thấp sang sản xuất rau màu các loại, trồng hoa cây cảnh; thực hiện tốt việc trồng rừng chắn cát ven biển, rừng sinh thái ven sông. Phát triển kinh tế biển, tập trung khai thác, đánh bắt xa bờ; chú trọng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh công nghiệp chế biến thủy sản. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, liên kết vùng Đông Thăng Bình với các địa phương lân cận để phát triển công nghiệp, du lịch. Phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh nghiên cứu mở rộng dự án khu công nghiệp Tam Thăng, khu công nghiệp Đông Quế Sơn qua địa phận Thăng Bình; hình thành mới khu, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ dự án khí - điện. Kết hợp với các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và đô thị Nam Hội An để xây dựng khu đô thị tại xã Bình Dương. Triển khai quy hoạch, xây dựng khu đô thị Bình Minh để trở thành đô thị loại V giai đoạn 2020-2030; tạo điều kiện để sớm triển khai các dự án Khu dịch vụ - du lịch nghỉ dưỡng tại xã Bình Minh, Bình Dương. Phát huy lợi thế biển và vùng ven biển, lợi thế sông Trường Giang, dự án cầu Cửa Đại và các tuyến giao thông ven biển sau khi hoàn thành để đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng phát triển du lịch biển, du lịch ven sông, du lịch sinh thái,...Phối hợp với huyện Duy Xuyên và thành phố Hội An từng bước hình thành vùng du lịch ven biển Thăng Bình - Duy Xuyên - Hội An.
     2.5.4- Phát triển văn hóa-xã hội đồng bộ với tăng trưởng và phát triển kinh tế; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo; y tế; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân
     Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trên địa bàn huyện. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa và thông tin, văn học-nghệ thuật, thể thao, du lịch...
     Thực hiện đồng bộ các giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chú trọng công tác giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, huy động mọi nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
     Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tiếp tục củng cố xây dựng mạng lưới y tế ở cơ sở. Thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tích cực vận động toàn dân tham gia BHYT; thực hiện tốt chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm y tế cho các đối tượng... Đến năm 2020 giảm tỷ suất sinh thô còn dưới 10%0; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn dưới 12%.
     Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công với Nước, công tác đền ơn đáp nghĩa, các chính sách an sinh xã hội. Triển khai xây dựng và thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững. Đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% (không kể số hộ nghèo thuộc diện trợ cấp thường xuyên). Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.
     2.5.5- Giữ ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác nội chính, cải cách tư pháp; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng
     Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy Đảng đối với công tác quốc phòng, an ninh, nội chính và phòng, chống tham nhũng; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng-an ninh. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
     Thực hiện tốt nhiệm vụ giữ ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối tượng, quản lý xã hội; kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định pháp luật về những vấn đề nổi cộm, phát sinh ở cơ sở.
     Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo… hạn chế đơn thư khiếu nại đông người, vượt cấp. Tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.
     2.5.6- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền; xây dựng chính quyền vững mạnh
     Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp; thường xuyên cải tiến nội dung, chất lượng các kỳ họp, tăng cường chức năng quyết định và giám sát của HĐND các cấp, thực hiện tốt chức năng đại diện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
     Tập trung xây dựng bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở thật sự vững mạnh toàn diện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành trên các lĩnh vực. Tăng cường khả năng phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc hoạch định, thực thi các chính sách, quy hoạch, kế hoạch. Thường xuyên giáo dục, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức lối sống cho đội ngũ CBCC, viên chức nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế dân chủ ở cơ quan; thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền.
     2.5.7- Tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể và các tổ chức hội từ huyện đến cơ sở
     Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận, đoàn thể và các hội quần chúng theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định. Tiếp tục củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội từ huyện đến cơ sở. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội, tập trung hướng về cơ sở, chủ động, sáng tạo, động viên các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động,…Thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; việc xây dựng lực lượng nòng cốt, cốt cán đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
     2.5.8- Tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiếu đấu của Đảng bộ
     Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đề cao cảnh giác cách mạng và giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở. Tăng cường định hướng tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để định hướng, giải quyết kịp thời, không để xảy ra tình hình phức tạp. Kiên quyết đấu tranh phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tuyên huấn Mặt trận, các đoàn thể và các binh chủng tuyên truyền từ huyện đến cơ sở. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết TW4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
     Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng từ huyện đến cơ sở và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, nhất là cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở. Làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ đảm bảo nguyên tắc, dân chủ, công khai, minh bạch. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện mất đoàn kết, bè phái, cá nhân chủ nghĩa và âm mưu phá hoại nội bộ Đảng của các thế lực thù địch; phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
     Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Chú trọng kiểm tra, giám sát đối với tập thể và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống;…kịp thời phát hiện kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ, các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.
     Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Đổi mới phương thức vận động quần chúng theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Thường xuyên kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở. Triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng về công tác dân vận. Thường xuyên chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo có hiệu quả.
     Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy tính năng động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền; khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp uỷ; phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng.
     II- Đại hội thống nhất thông qua Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XIX, nhiệm kỳ 2010-2015.
     III- Đại hội thống nhất thông qua các báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI. Giao Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XX tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội để bổ sung, hoàn chỉnh văn bản, báo cáo Tỉnh uỷ.
     IV- Đại hội thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XX gồm 43 đồng chí và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI gồm 16 đại biểu chính thức và 02 đại biểu dự khuyết. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thăng Bình khoá XX hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam và các Ban Đảng Tỉnh uỷ có liên quan, quyết định chuẩn y theo quy định.
     V- Đại hội tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ngọc Quang- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy bổ sung vào Nghị quyết Đại hội, xây dựng thành kế hoạch, chương trình công tác để chỉ đạo thực hiện.
     VI- Giao Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thăng Bình khoá XX căn cứ vào nghị quyết Đại hội, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, xây dựng các chương trình, nghị quyết, kế hoạch để tổ chức thực hiện, nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội đi vào thực tiễn. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc, truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ huyện đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng trong thời kỳ mới.

                                                                                                       T/M ĐOÀN CHỦ TỊCH

                                                                                                                                    
                                                                                                                    Đã ký


                                                                                                         Hồng Quốc Cường


([1]) Phục vụ xây dựng 100% trường THPT đạt chuẩn quốc gia


Nguồn tin: http://thangbinh.quangnam.gov.vn/
[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Cách mạng tháng Tám thành công và sự ra đời của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước
Tổ chức phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX
Tạo đà cho nhiệm kỳ mới

Bản quyền Phòng Nội vụ Huyện Thăng Bình
Địa chỉ: 282 Tiểu La, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)